[ New messages · Members · Forum rules · Search · RSS ]
  • Page 1 of 1
  • 1
Forum » Trao Đối Về Công Nghệ » Đánh Giá Sản Phẩm » Đánh giá MBA 2011 13", siêu di động gần như hoàn hảo
Đánh giá MBA 2011 13", siêu di động gần như hoàn hảo
hexenDate: Wednesday, 2011-08-24, 8:43 AM | Message # 1
Lieutenant
Group: Administrators
Messages: 51
Reputation: 0
Status: Offline


Điều quan trọng nhất của một chiếc máy tính không phải là nó nhanh thế nào, nó mạnh hay nhẹ thế nào mà chính là việc sản phẩm đó có hỗ trợ đắc lực cho công việc của bạn hay không, có tạo ra được những cảm hứng để công việc diễn ra trôi chảy hay không. Và nếu xét theo tiêu chí đó, MacBook Air 2011 là chiếc máy gần như hoàn hào cho người dùng siêu di động, những người không có nhu cầu quá cao về chơi game hay render phim ở cường độ cao. MacBook Air 2011 không chỉ kế thừa những ưu điểm của phiên bản 2010 mà nó còn khắc phục gần như triệt để những nhược điểm trước đây.

Thiết kế:
Từng tiếp xúc với rất nhiều dòng máy tính siêu di động trên thị trường nhưng mình vẫn không thể nào cầm lòng nổi trước vẻ đẹp của dòng MacBook Air 2010/2011. Có thể bạn sẽ thấy rất máy tính xách tay siêu di động khác mỏng hơn, đẹp hơn khi đứng riêng lẻ nhưng nếu xếp chúng chung với nhau thì MBA vẫn là 1 tượng đài chưa thể đánh đổ, từng chi tiết được Apple chăm chút cẩn thận theo châm ngôn It just works, những chi tiết thừa hay ít sử dụng đều được hãng loại bỏ triệt để nhằm tạo ra 1 chiếc máy tính đơn giản nhất có thể. Nếu bạn chỉ ra được 1 điểm thừa nào trên MacBook Air thì có lẽ bạn là một thiên tài trong lĩnh vực thiết kế vì tất cả các thành phần đều được thiết kế một cách khoa học và tinh giản nhất có thể.

MacBook Air 2011 vẫn giữ nguyên, không có bất cứ một thay đổi nào so với đời 2010. Sự thay đổi, nếu có chỉ đến từ việc thay biểu tượng miniDisplayPort thành Thunderbolt và bổ sung thêm 1 vài biểu tượng trên bàn phím. Một điểm yếu từ năm ngoái vẫn còn tồn tại là khung viền màn hình Air vẫn hơi lớn nhưng thật sự thì nó không ảnh hưởng nhiều lắm đến thiết kế của máy. Nếu là người khó tính hay đang sử dụng Windows, bạn sẽ chê trách MBA chỉ có 2 cổng USB nhưng thành thật mà nói, hầu hết người dùng Mac đã quá quen (bị ép phải quen) với việc này, nhất là với những máy MacBook Pro 13/15 inch có 2 cổng USB sát nhau thì cách thiết kế 2 bên của MBA thật sự là một bước tiến lớn. Tất nhiên, nếu Apple trang bị thêm 1 cổng USB khác thì chắc chắn Air sẽ được yêu thích hơn rất nhiều.

Cạnh phải ta có Thunderbolt kiêm miniDisplayPort, USB và SD

Cổng sạc MagSafe, USB, tai nghe và loa ngoài

Máy rất mỏng kể cả khi nhìn nghiêng

lẫn mặt trước

Bản lề của máy là phần dày nhất

Bản lề mở ở góc tối đa, bạn có thấy nó tạo thành khe tản nhiệt khi máy hoạt động không?

Thiết kế 1 mảng nguyên khối ở mặt sau, những con ốc này hơi khác so với MBP
Bàn phím:
Cảm nhận cá nhân cho thấy bàn phím MBA 2011 gõ thích hơn một chút so với MBA 2010. Rất khó dể diễn giải nếu bạn từ MBA 2010 chuyển sang MBA 2011 nhưng nếu đang dùng các dòng máy MacBook Pro (MBP) bạn sẽ ngay lập tức nhận ra sự khác biệt. Bàn phím MBA cho cảm giác mỏng và hơi nông hơn MBP do giới hạn về độ dày của máy. Ngoài cải tiến nho nhỏ về cảm giác gõ, MBA 2011 cũng có sự xuất hiện trở lại của đèn bàn phím vốn bị cắt bỏ trong phiên bản 2010. Với hầu hết chúng ta thì đây là sự một xuất hiện rất đáng hoan nghênh.

Bàn phím đầy đủ, bằng kích thước MBP trừ việc các phím Fn hơi nhỏ hơn

Các phím F3 và F4 chưa hề xuất hiện trên bất cứ máy Mac nào trước đây, F5 và F6 điều chỉnh đèn nền bàn phím

Đi vô nhà vệ sinh thì đèn bàn phím mới sáng!

Các phím của MBA không hề mỏng như kiểu dáng của nó, vẫn cho cảm giác tốt

Touchpad rất lớn, dùng rất thích

Màn hình:
Chiếc máy MBA 2011 13” mình cầm vẫn có độ phân giải 1440x900 như phiên bản cũ. Nhìn chung, chất lượng hiển thị của màn hình này vẫn không có nhiều khác biệt so với trước đây. Tuy nhiên, có một điểm cần lưu ý cho những bạn vẫn lầm tưởng về MBA, panel màn hình của nó có chất lượng thấp hơn MBP do những hạn chế về độ mỏng và cắt giảm chi phí. So sánh trực tiếp với màn hình MBP 17 inch thì màn hình MBA hơi ngả vàng hơn và màu sắc cũng không sâu bằng. Ngoài ra, khung viền màn hình lớn và góc nhìn chưa thật rộng (so với tiêu chuẩn của máy Mac) cũng là một nhược điểm của MBA 2011.

Tuy vậy, MBA vẫn có những ưu điểm rất tiêng của mình. Tuy kích thước chỉ 13 inch nhưng độ phân giải của MBA lại bằng với MBP 15 inch nên bạn sẽ có diện tích làm việc tương đương trong khi hình ảnh lại sắc nét hơn, nhất là so với MBP 13 inch độ phân giải thấp 1280x800. Hơn nữa, tuy là màn hình gương nhưng Apple không thiết kế cho gương tràn màn hình như các máy MBP, bạn vẫn có thể quan sát tốt ngoài nắng mà không gặp nhiều hạn chế như các máy gương truyền thống. Cá nhân mình đánh giá giải pháp trên MBA là rất tốt vì nó vẫn phần nào giữ được đặc tính bảo vệ và sự bóng bẩy của màu sắc của màn hình gương mà chỉ phải hy sinh 1 chút khả năng hiển thị ngoài trời.

Ổ lưu trữ dữ liệu:
Chúng ta hãy nói riêng về ổ dữ liệu 1 chút vì đó là phần đang gây khá nhiều khó chịu cho người mua máy mới trong thời gian gần đây. Ở MBA 2010, Apple đã sử dụng ổ của Toshiba trong thời gian đầu và sau đó thay bằng Samsung nhanh hơn. Trên MBA 2011, họ sử dụng đồng thời cả 2 loại ổ cứng này nên sẽ gây lầm tưởng có máy nhanh hơn, máy chậm hơn.

Thành thật mà nói, là người dùng ổ Toshiba ở đời trước và Samsung ở đời này, mình không thấy nhiều sự khác biệt. Những gì khác nhau chỉ xuất hiện khi bạn chạy Benchmark hoặc các ứng dụng yêu cầu ổ cứng thật mạnh. Vì vậy, đừng lo lắng cũng như băn khoăn về chuyện này. Điều đáng tiếc ở đây không phải là 2 loại ổ cứng mà chính là việc Apple không nâng cấp nó lên dòng ổ tốc độ cao hơn, khoảng 500MBps đọc/ghi mà vẫn dùng ổ 250MBps cho dù MBA hỗ trợ SATA 3.
[c]

Kết quả bench SSD không khác nhiều so với bản cũ, đọc 265MBps và ghi 233MBps
Sức mạnh:

Cấu hình chi tiết MBA 2011 13" phiên bản tiêu chuẩn

Thật ra mà nói, điều đáng quan tâm nhất trên MBA 2011 chính là sức mạnh của nó chứ không phải màn hình hay bàn phím. MBA 2010 đã là một chiếc máy siêu di động rất tốt nhưng nó lại gặp nhiều giới hạn trong việc xử lý ứng dụng. Về mặt lý thuyết, nếu Apple giải quyết được vấn đề đó thì MBA trở thành một trong những máy tính siêu di động đáng mua nhất trên thị trường, không kể nền tảng Mac hay Windows.

Chiếc máy MBA mà mình thử nghiệm có cấu hình tiêu chuẩn với CPU Intel Core i5 ULV 2557M 2 nhân hoạt động ở xung nhịp 1,7GHz và có thể Turbo boost lên 2,7GHz nếu chạy những ứng dụng đơn nhiệm nặng. Nếu muốn, bạn có thể tuỳ chọn nâng cấp lên Core i7 2 nhân 1,8GHz với giá 100$ (phải chọn cấu hình có SSD 256GB) nhưng một số website nước ngoài cho biết hiệu năng tăng không nhiều, chỉ khoảng 9% khả năng xử lý của CPU, tức là một mức tăng không đáng kể của toàn chiếc máy.

Không như năm ngoái, những chiếc MBA 13” năm nay được dùng mặc định 4GB 1333MHz chia làm 2 thanh bắn thẳng vào bo mạch chủ và bạn không thể nâng cấp hơn. Đây là một bước tiến mới của Apple vì 2GB là quá thấp để có thể chạy trơn tru Mac OS X Lion, năm ngoái thì bạn phải trả 100$ để có 4GB RAM. Việc sử dụng 2 thanh 2GB thay vì 1 thanh 4GB cho thấy Apple hoàn toàn có thể đưa ra tuỳ chọn 8GB RAM vào 1 ngày nào đó.

Chúng ta hãy thử bench trên Mac và Windows 64 bit


2 kết quả bench trên Mac, hơn gấp đôi năm ngoái và tương đương MBP 13" 2011 (do lợi thế về SSD so với HDD)

PCMark 06 đạt 10621 điểm

3D Mark 06 trên Windows đạt 4346 điểm

Điểm PerformanceTest

So sánh kết quả với 1 số hệ thống khác, MBA màu xanh lá cây

Windows chấm điểm WEI

Với những điểm số này, MBA 2011 thật sự là một bước đột phá lớn so với thế hệ trước. Không chỉ nhanh hơn trong việc xử lý các ứng dụng nặng mà bạn đều cảm thấy thoải mái hơn trong các tác vụ thông thường. Nếu như năm ngoái, ngay cả việc chỉnh hình bằng Aperture cũng làm MBA 2010 hơi ỳ thì năm nay mình thậm chí còn chỉnh được hình bằng cả Nikon Capture NX 2 mà vẫn cảm thấy thoải mái. Việc xuất phim 720p bằng iMovie cũng đỡ hơn rất nhiều, trung bình 1 phút phim xuất ra tốn khoảng 2 phút, bằng một nửa so với trung bình 1 phút xuất/1phút phim của MBP 15 inch 2011 4 nhân xử lý nhưng không thua kém so nhiều với MBP 2011 Core i7.

Về chip đồ hoạ, chắc chắn là Intel 3000 sẽ yếu hơn nVidia 320M trên MBA 2010. Nếu bạn muốn chơi game thì đây sẽ là một hạn chế cần cân nhắc. Dù vậy, bản thân MBA không phải là một dòng máy chơi game nên chip đồ hoạ chủ yếu dùng để hỗ trợ cho hệ thống trong các ứng dụng hỗ trợ bộ tăng tốc GPU như Photoshop hay iMovie. Các thử nghiệm cho thấy sự khác biệt giữa 2 con chip này không lớn, số game hỗ trợ 320M mà không hỗ trợ 3000 là không đáng kể trên nền tảng MAC OS.

Sự xuất hiện của con chip Intel 3000 mang đến một lợi thế cực lớn là Quick Sync, tính năng chuyển đổi video bằng chip đồ hoạ kết hợp trên dòng chip Sandy Bridge này cho tốc độ chuyển đổi video H.264 nhanh hơn khoảng 2-3 lần so với bản thân con chip đó sử dụng thuần CPU hay thậm chí còn nhanh hơn cả những card đồ hoạ rời mạnh mẽ nhất. Thật đáng tiếc khi Apple chưa hỗ trợ Quick Sync, hy vọng họ sẽ sớm bổ sung nó trong tương lai.

Nhiệt độ, độ ồn và thời lượng pin:

Đây là nhiệt độ cao nhất mà mình đạt đến, khi này thì máy đang chạy fullload bằng cách tải 25 trang Firefox và xuất phim bằng iMovie, khi này pin được khoảng 2 tiếng. Không hiểu sao khi này quạt mới quay 4432 vòng, lúc cao nhất đạt 6600 vòng

Mình thường xuyên làm việc với rất nhiều trang web khác nhau nên trình duyệt lúc nào cũng mở khoảng 20-30 tab trên Firefox, chưa kể khoảng 5 tab của Chrome và 5 tab ở Safari khi đọc tin. Trong điều kiện thử nghiệm như vậy cùng với việc xuất phim bằng iMovie với 720p thì nhiệt độ tối đa mà mình đo được là 95 độ C cho CPU và quạt quay 6600 vòng. Khi này, thời lượng pin của MBA 2011 chỉ đạt 2 tiếng.

Khi hoạt động bình thường, đôi khi MBA mát, khoảng 50 độ C cho CPU nhưng trung bình đạt khoảng 60-70 độ với 25 tab Firefox có Flash, hầu hết các quảng cáo đã bị chặn bằng Adblock Plus. Khi quạt quay tối đa thì bạn có thể nghe tiếng nhưng nó không lớn và không làm phiền những người xung quanh. Nếu chỉ để duyệt web và gõ văn bản, mình dùng MBA được khoảng 5 giờ với độ sáng màn hình 1 nửa. Có một điều khá thú vị là dung lượng pin MBA của mình đạt khoảng 6500mAh trong khi MBP 13” chưa tới 6000mAh.

Những giới hạn của MBA so với MBP:
Như đã nói ở trên, MBA quá mỏng để có thể trang bị 1 panel màn hình chất lượng tốt như MBP, trừ khi Apple chịu sử dụng màn hình IPS thì chất lượng hiển thị của MBA mới có thể cải thiện được.

Lý do thứ 2 là kết nối, trong khi các anh em đời 2011 như iMac hay MBP đều được nâng cấp lên WiFi chuẩn N với ăng ten 3x3:3 cho tốc độ kết nối tới đa 450Mbps thì MBA vẫn dậm chân tại chỗ với ăng ten 2x2:2 chỉ đạt 270Mbps. Lại một lần nữa kích thước đã giới hạn sức mạnh của MBA. Bên cạnh đó, cổng FW800 cũng không có (có lẽ bạn sẽ mua được adapter từ Thunderbolt sang FW800 sau này nhưng nó khá bất tiện), ổ DVD phải dùng ổ gắn ngoài và con chip Thunderbolt cũng là bản rút gọn với MBP vì kích thước quá nhỏ.

Lý do thứ 3 là chip đồ hoạ, năm ngoái Apple đã buộc lòng sử dụng Core 2 Duo để đi kèm với chip đồ hoạ tích hợp nVidia nhằm tăng hiệu năng sử dụng nhưng năm nay họ đã nâng cấp lên Core i Sandy Bridge với chip đồ hoạ tích hợp Intel. Tất cả các thành phần khác của MBA vẫn đáp ứng tốt nhu cầu chơi game trung bình trừ chip đồ hoạ. Đây cũng là do kích thước vì Apple không thể tích hợp chip đồ hoạ rời vào máy nhỏ + mỏng như vậy, không sớm thì muộn nó sẽ trở thành 1 lò nướng bánh. Nếu bạn muốn làm việc với 3 màn hình thì tốt nhất nên quên MBA 2011 đi vì nó chỉ hỗ trợ màn hình của máy và 1 màn hình ngoài thôi.

Liệu MBA có trở thành một vật cản với MBP 13”?
Câu trả lời là đúng, MBA thật sự là một vật cản lớn với MBP 13” hay thậm chí là 15” trong 1 vài trường hợp. Để thiết lập 1 chiếc máy MBP 13” cấu hình cơ bản có 128GB như MBA, bạn phải trả tới 1349$, tức là cao hơn 150$. Trong trường hợp chọn cấu hình có 256GB SSD thì mức chênh lệch giữa 2 thiết bị này là 250$. Vậy số tiền bỏ ra này cho bạn những lợi thế gì? Với MBP 15" thì số tiền bạn bỏ ra còn khủng khiếp hơn thế rất nhiều nhưng lại có lợi điểm ở chip đồ họa nên chúng ta tạm không nhắc tới.

Đầu tiên, MBP có CPU mạnh hơn MBA, cùng là 2 nhân nhưng MBA sử dụng chip tiết kiệm điện còn MBP là chip đầy đủ, xung nhịp cũng cao hơn. Tiếp theo, MBP cho phép người dùng khả năng nâng cấp tốt hơn, 16GB RAM hoặc 512GB SSD cũng không phải là vấn đề lớn nếu bạn có tiền. Ngoài ra, ta cũng có một vài điểm trong phần kết nối mà minh đã nói tới ở trên.

Thua về giá nhưng MBA hơn MBP cái gì? Thiết kế, trọng lượng là 2 điều dễ thấy nhất. Tiếp theo chính là màn hình MBA tốt hơn MBP 13 inch khá nhiều, chất lượng cao hơn, chống chói, độ phân giải cao, sắc nét hơn. Bạn hãy lưu ý rằng MBP 13” không mạnh hơn MBA 2011 nhiều đâu nhé, sự khác biệt chỉ đến khi chạy ứng dụng nặng thật nặng như Photoshop, iMovie hay Capture NX thôi và tốc độ cũng không cách biệt như so với bản 15” và 17” dùng chip 4 nhân kết hợp với card đồ hoạ rời, MBP 13” cũng là card Intel tích hợp. Lưu ý rằng MBA dùng SSD mặc định nên nó sẽ nhanh hơn MBP dùng HDD (trừ khi bạn custom với Apple hoặc thay ổ SSD) trong 99% các công việc.

So sánh là vậy, còn lựa chọn giữa MBP 13” và MBA 13” là quyền của bạn, cá nhân mình từ trước đến giờ chẳng bao giờ xem dòng MBP 13” là Pro như cái tên của nó. Nếu định mua MBP thì tốt nhất bạn nên quên dòng 13” đi mà thay vào đó là 15 hay tốt nhất là 17”.

Kết luận:
Sẽ rất khó để kết luận về MBA mà không khen quá nhiều về nó. MBA 13” có giá còn tốt hơn một số máy tính siêu di động sử dụng Windows cùng đẳng cấp mà không phải hy sinh nhiều về sức mạnh, tính tiện dụng cũng như thời gian sử dụng pin. Những chiếc máy tính Ultrabook do Intel hỗ trợ còn chưa xuất hiện nhưng giá của chúng có lẽ cũng chẳng rẻ hơn MBA là mấy, do vậy không có gì phải nghi ngờ về sự thành công của MBA 2011. Nếu bạn đang là người dùng MBA 2010 hay MBP 13” 2011 trở về trước, MBA 2011 chắc chắn là 1 sự nâng cấp đáng giá và không nên băn khoăn bất cứ điều gì.
 
Forum » Trao Đối Về Công Nghệ » Đánh Giá Sản Phẩm » Đánh giá MBA 2011 13", siêu di động gần như hoàn hảo
  • Page 1 of 1
  • 1
Search: